Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhân dân khu dân cư ven biển tỉnh Kiên Giang
Ngày 12/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác di chuyển bằng trực thăng, thuyền máy khảo sát nhiều khu vực sạt lở trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang. Sau khi khảo sát thực địa, chiều 12/8, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về tình hình, công tác khắc phục sạt lở tại khu vực.
Báo cáo tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2016 đến nay, vùng ĐBSCL xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km. Trong đó bờ sông có 666 điểm/744 km, bờ biển có 113 điểm/390 km. Từ năm 2016 đến nay, T.Ư đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh trong vùng hơn 16 nghìn tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, chiều dài 324 km. Dù vậy, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Hiện toàn vùng còn 561 điểm sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm/602km; bờ biển có 48 điểm/208 km. Đáng chú ý, trong vùng còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm (bờ sông 39 điểm/118 km, bờ biển 24 điểm/86 km), với tổng chiều dài 204 km.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 2 ngày đi khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL đang diễn ra nghiêm trọng. Công tác phòng, chống gặp phải một số khó khăn khi diễn biến sạt lở, sụt lún rất nhanh, quy mô rộng, phức tạp; khả năng ứng phó thiếu kịp thời, hiệu quả; thiếu nguồn lực để đầu tư và phòng ngừa. Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL; phát triển, bảo vệ và khai thác bền vững đất rừng, tài nguyên khoáng sản, môi trường sinh thái; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho người dân.
Theo Thủ tướng, qua khảo sát thực tế tại 8 địa phương vùng ĐBSCL, đã ghi nhận một số điểm nóng sạt lở đặc biệt nguy hiểm; các địa phương cần hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, xử lý ngay. Các điểm sạt lở nguy hiểm còn lại, các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, nghiên cứu cân đối, bố trí nguồn lực, trình cấp thẩm quyền quyết định hỗ trợ các địa phương xử lý sớm, hoàn thành trong tháng 8.
Thủ tướng yêu cầu nâng cao nhận thức về sự nguy hại, hậu quả của sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, thực hiện của cấp ủy, chính quyền. Huy động nguồn lực của nhân dân tham gia vào phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng. Đặc biệt, phải có giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài để ứng phó; huy động mọi nguồn lực hợp pháp vào công tác phòng, chống. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trong phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng. Phương châm cần nắm chắc, dự báo đúng tình hình; nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong xử lý; huy động tổng thể nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất vào công tác phòng, chống.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác quy hoạch; đánh giá chính xác nguyên nhân sạt lở để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, bền vững, tránh tốn kém. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao…
nguồn theo https://tienphong.vn/