Thứ ba, 15-10-2024 
Menu Close Menu
Hoạt động KHCN > Bảng triều

Viện Kỹ thuật Biển công bố Bảng triều Dự báo năm 2024 của 28 trạm vùng duyên hải và cửa sông Nam Bộ và 6 trạm hải văn đặc biệt quan trọng của Việt Nam (Hòn Dấu, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang (Cầu Đá), DK1-7). Viện Kỹ thuật Biển đã sử dụng kết hợp giữa phương pháp phân tích các hằng số điều hòa triều với số liệu thực đo luôn được cập nhật mới nhất cùng với phương pháp mô hình toán số để tính toán, dự báo số liệu mực nước 2024.

CÁC THUẬT NGỮ KÝ HIỆU

1. Thuỷ triều. Đó là hiện tượng dao động mực nước sông biển phát sinh bởi sự biến thiên tuần hoàn của lực hấp dẫn mặt trăng và mặt trời lên mỗi vị trí trên bề mặt quả đất (do quả đất quay quanh trục của nó và tất cả chúng đều chuyển động liên tục trong vũ trụ theo các quỹ đạo khác nhau).

2. Sóng triều. Thủy triều lan truyền trong thủy quyển dưới dạng sóng dài, chu kỳ nhiều giờ, bước sóng hàng ngàn km và biên độ bé (so với bước sóng) và được gọi là sóng triều. Tính chất các sóng triều thành phần phụ thuộc vào độ lớn và chu kỳ biến thiên lực hấp dẫn giửa mặt đất với mặt trăng và mặt trời. Các sóng triều cơ bản là: sóng bán nhật triều mặt trăng chính (ký hiệu M2, chu kỳ 12 giờ 25 phút); sóng nhật triều mặt trăng chính (ký hiệu O1, chu kỳ 25 giờ 47 phút), sóng bán nhật triều chính (ký hiệu S2, chu kỳ 12 giờ), sóng nhật triều mặt trời chính (ký hiệu P1, chu kỳ 24 giờ 4 phút) và sóng lệch nhật triều chính (ký hiệu K1, chu kỳ 23 giờ 56 phút). Có khoảng 396 sóng triều thành phần có ý nghĩa.

3. Sóng triều tại vùng biển ven bờ và cửa sông. Tính chất thủy triều tại vùng biển ven bờ và cửa sông rất phức tạp vì mực nước triều ở đây được hình thành bởi tổ hợp các sóng dài dạng sóng tiến và sóng đứng bị biến dạng mạnh do sự phản xạ, khúc xạ, tác động của lực Corriolis, lực ma sát, cấu trúc đáy, đường bờ biển và sông rạch.

Mực nước triều là cao trình mặt nước dao động theo thời gian so với mốc cao độ quy ước. Mực nước triều đo bằng đơn vị độ dài mét (m) hoặc xen ti mét (cm). Mỗi trị số mực nước triều ứng với một thời điểm xuất hiện gọi là giờ xuất hiên (GXH) tính bằng giờ và phút. Trong bảng dự báo thuỷ triều này, mực nước triều dự báo đo bằng cm và mốc cao độ quy ước là mốc Quốc gia. Đường cong biểu thị diễn biến mực nước triều theo thời gian gọi là đường quá trình mực nước triều.

4. Chu kỳ triều. Chu kỳ triều phụ thuộc vào cơ chế tổ hợp các sóng triều thành phần. Thông thường, khoảng thời gian giữa hai lần chân triều trong một ngày gọi là chu kỳ triều.

5. Nước lớn (đỉnh triều) Vị trí cao nhất của mực nước trong một chu kỳ triều.

6. Nước ròng (chân triều): Vị trí thấp nhất của mực nước trong trong một chu kỳ triều.

7. Nếu trong một ngày có hai lần nước lớn, hai lần nước ròng thì phân biệt nước lớn cao (NLC), nước lớn thấp (NLT) và nước ròng cao (NRC), nước ròng thấp (NRT).

8. Thời gian triều dâng là khoảng thời gian từ lúc nước ròng đến lúc nước lớn kế tiếp.

9. Thời gian triều rút là khoảng thời gian từ lúc nước lớn đến lúc nước ròng kế tiếp.

10. Độ lớn triều là hiệu mực nước nước lớn cao và mực nước nước ròng thấp trong ngày.

1.jpg

Chú thích: Độ lớn triều hay còn gọi là biên độ triều là hiệu số giữa mực nước lớn cao và mực nước ròng thấp trong 1 ngày

11. Kỳ nước cường và kỳ nước kém: cứ trong khoảng nửa tháng có 3-5 ngày triều lên xuống mạnh (lên rất cao, xuống rất thấp) gọi là kỳ nước cường; sau đó độ lớn triều giảm dần kéo dài chừng 4-5 ngày, tiếp đó là 3-5 ngày triều lên xuống rất yếu gọi là kỳ nước kém. Kế đó, độ lớn triều tăng dần trong vòng 4-5 ngày và bước vào kỳ nước cường tiếp theo. Các kỳ con nước lặp lại một cách tuần hoàn nhưng khác nhau về cường độ. Kỳ triều cường xảy ra vào tuần trăng rằm và đầu tháng âm lịch, khi mặt trăng, mặt trời và trái đất nằm trên một đường thẳng. Tuần triều kém có độ lớn triều cực tiểu xảy ra vào thời kỳ trăng non và trăng già. Trong trường hợp này, mặt trăng và mặt trời tạo với trái đất thành một góc vuông mà đỉnh là trái đất.

12. Chế độ triều. Chế độ triều tại một vị trí nhất định được xác định theo chu kỳ giao động mực nước triều. Có hai loại triều cơ bản là bán nhật triềunhật triều. Với bán nhật triều, trong một ngày có hai lần triều dâng lên và hai lần triều rút, trong khi đó, nhật triều chỉ có một lần lên và một lần xuống. Ngoài hai loại cơ bản còn có 2 loại triều hỗn hợp là bán nhật triều không đềunhật triều không đều. Tại khu vực có chế độ bán nhật triều không đều, hầu hết các ngày trong tháng có có hai lần triều dâng và hai lần triều rút và một số ngày chỉ có một lần triều lên hoặc một lần triều rút. Khu vực có chế độ nhật triều không đều, hầu hết các ngày trong tháng là nhật triều và một số ít ngày là bán nhật triều.

2.jpg

13. ‘0’ hải đồ (‘0’ độ sâu) tại một vị trí là mực nước thấp nhất tại vị trí đó. Cao trình ‘0’ hải đồ so với mốc cao độ Quốc gia tại mỗi vị trí mỗi khác.

Sơ họa vị trí các trạm dự báo mực nước thủy triều năm 2024 ở khu vực Nam bộ

 

Hướng dẫn sử dụng Bảng Triều Dự Báo năm 2024

Hình minh họa trang Bảng triều Dự báo năm 2024

Ý nghĩa:

1. Tên các trạm triều dự báo- Lựa chọn trang tính tương ứng với trạm triều mong muốn,

2. Thông tin khu vực, hệ cao độ, tọa độ … tương ứng với trạm dự báo,

3. Biểu đồ dao động mực nước triều dự báo năm 2024 với các mức báo động cấp độ I, II, III (nếu có),

4. Bảng triều:

4.1. Thời gian: ngày (dương lịch, âm lịch), tháng, năm dự báo,

4.2. Giá trị mực nước triều dự báo theo từng giờ trong ngày (đơn vị: cm),

4.3. Mực nước và thời điểm xuất hiện nước lớn - nước ròng trong ngày,

4.4. Thời điểm mặt trời mọc - lặn trong ngày.

Các điểm cần lưu ý khi dùng Bảng Triều Dự Báo năm 2024

34 trạm triều dự báo thuộc các vùng duyên hải và cửa sông Nam Bộ và các trạm hải văn đặc biệt quan trọng của Việt Nam.

+ Mực nước triều tại các trạm trong sông và cửa sông: An Thuận, Bến Lức, Bến Trại, Biên Hòa, Bình Đại, Cà Mau, Đại Ngãi, Gành Hào, Hòa Bình, Năm Căn, Nhà Bè, Phú An, Rạch Giá, Sông Đốc, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Trần Đề, Vũng Tàu, và Xẻo Rô tính theo hệ cao độ Nhà nước.

+ Mực nước triều tại các trạm Hải văn và cảng biển: KD17, Hòn Dấu, Phú Quốc, Quy Nhơn, Cầu Đá được cung cấp theo hệ cao độ Hải đồ. (‘0’ hải đồ (‘0’ độ sâu) tại một vị trí là mực nước thấp nhất tại vị trí đó. Cao trình ‘0’ hải đồ so với mốc cao độ Quốc gia khác nhau tại từng vị trí.)

Bên cạnh đó, Viện Kỹ thuật Biển sẽ kịp thời công bố các bản tin đột xuất khi xuất hiện triều cường hoặc các hiện tượng khí tượng đặc biệt (gió chướng, bão, áp thấp nhiệt đới…) trong năm 2024.

Các Bảng Triều Dự Báo theo từng năm kể từ năm 2010 đến nay và các Bản tin đột xuất do Viện Kỹ Thuật Biển cung cấp miễn phí qua WEB SITE của Viện Kỹ Thuật Biển. Viện Kỹ Thuật Biển rất vui mừng vì số lượng người dùng truy cập và sử dụng Bảng Triều Dự Báo từ WEB SITE của Viện Kỹ Thuật Biển ngày càng gia tăng. Viện Kỹ Thuật Biển cũng đã nhận được các phản hồi tích cực về giá trị sử dụng của các Bảng Triều Dự Báo nói trên cũng như các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện cho lần dự báo tiếp theo. Xin chân thành cảm ơn người dùng đã tin cậy sử dụng các kết quả lao động của Viện Kỹ Thuật Biển.

Nếu quý đơn vị có nhu cầu tải Bảng triều dự báo do Viện Kỹ thuật Biển thực hiện xin vui lòng thông báo cho chúng tôi để tiện việc thống kê và mở rộng phạm vi cung cấp. Nếu quý khách cần thêm thông tin hỗ trợ xin vui lòng liên hệ với Viện Kỹ Thuật Biển.

Rất mong nhận được sự phản hồi của các quý vị.

Cá nhân, đơn vị xin liên hệ trong giờ Hành chính: Phòng QLTH Viện Kỹ thuật Biển - 02838362821

hoặc ThS. Trần Nhật Tân - Phụ trách KHTH - 0989 481 189

Mời tải Bảng triều năm 2024 trong file đính kèm

Ngoài ra, quý đơn vị và quý khách có thể theo dõi kết quả dự báo mực nước theo ngày trên trang WebGIS Hệ thống thông tin dự báo, cảnh báo sớm thủy hải văn, môi trường: https://marinemekong.com/

 

Ứng dụng sáng chế vào công trình bảo vệ bờ phòng chống xói lở
1. Công trình: Kè chống xói lở bờ sông Tiền thị trấn Hồng Ngự. 2. Địa điểm xây dựng: Thị trấn Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. 3. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đồng Tháp. 4. Tư vấn thiết kế: Viện Kỹ thuật Biển 5. Đơn vị thực hiện: Trung tâm nghiên cứu công trình Biển 6. Chủ nhiệm công trình: Th.S Nguyễn Anh Tiến