Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ Quốc với đường bờ biển dài 254 km, trên vùng biển có 3 cụm đảo là Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc với độ đa đạng sinh học cao, trong đó bao gồm nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ của Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Thế giới. Đảo Hòn Khoai còn là di tích lịch sử cấp quốc gia là biểu tượng của truyền thống cách mạng của nhân dân Cà Mau. Bên cạnh đó vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước với trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nguồn lợi hải sản, tính đa dạng sinh học đang có chiều hướng suy giảm. Do đó, việc thành lập khu bảo tồn biển Cà Mau sẽ mang đến giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời góp phần bảo vệ các giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nhân văn cho tỉnh Cà Mau. Đồng thời giúp phát triến du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần phát triến kinh tế biến của tỉnh Cà Mau.
Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Bộ môn Sinh thái & Tài nguyên Môi trường, phòng Môi trường Biển và Biến đổi khí hậu đã thực hiện 3 đợt điều tra khảo sát ngoài thực địa tại các cụm đảo Hòn Đá Bạc, Hòn Chuối, Hòn Khoai và vùng biển xung quanh các cụm đảo nhằm cung cấp những dữ liệu và thông tin quan trọng làm cơ sở đưa ra các phương án quy hoạch, bảo tồn phù hợp với hiện trạng và quy hoạch phát triển trong tương lại tại vùng biển Cà Mau.
Hoạt động khảo sát hệ sinh thái San hô ở vùng biển Cà Mau
Hoạt động điều tra nguồn lợi hải sản ở vùng biển Cà Mau
Hình ảnh rạn san hô ở đảo Hòn Chuối – Cà Mau
Bên cạnh đó Viện Kỹ thuật Biển cũng đã tham gia hỗ trợ tích cực trong quá trình thẩm định hồ sơ thành lập khu bảo tồn. Đến ngày 18/6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1206/QĐ-UBND phê quyệt thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau. Với tổng diện tích của khu bảo tồn biển là 27.000 ha, trong đó diện tích các phân khu chức năng 18.000 ha (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000 ha, phân khu phục hồi sinh thái 11.230 ha và phân khu dịch vụ - hành chính 3.970 ha) và vùng đệm 9.000 ha.
Viện Kỹ thuật Biển đã thực hiện và hỗ trợ tích cực cho dự án và được chủ đầu tư ghi nhận và đánh giá rất cao, góp phần cho sự thành công của dự án.
Hình ảnh một số loài sinh vật trong rạn san hô ở vùng biển Cà Mau