Toàn cảnh hội thảo
Nhân kỷ niệm “Ngày đổi mới sáng tạo thế giới 21-4” và “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5”, ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc lại lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam vào ngày 18/5/1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...” Những lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động khoa học và công nghệ nước nhà nói chung và cho ngành nông nghiệp nói riêng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khoa học và công nghệ ngày nay được coi là xương sống và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp và vô cùng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện: Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Để đạt được những kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng các nhà khoa học trên cả nước, với thành quả nghiên cứu đã được tạo ra và ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ giống cây trồng, vật nuôi mới; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; dinh dưỡng vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong sản xuất, nuôi, trồng; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp… Cụ thể, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Những năm qua, cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi). Công tác chọn tạo và sản xuất giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp như: Các giống lúa Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha (chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước).
Bên cạnh đó, KHCN đã thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cải thiện năng suất lao động; thúc đẩy ứng dụng CNC, công nghệ số trong nông nghiệp; góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững cũng như góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh kết quả đã đạt được, lĩnh vực KHCN cũng còn có những hạn chế, bất cập: Việc thương mại hóa - chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình KHCN vẫn còn chậm; một số công trình, đề tài nghiên cứu hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao, vẫn còn thiếu đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; việc sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả...
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, Học viện, Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia…đã trao đổi, thảo luận về “Tư duy đổi mới, các chính sách, định hướng phát triển KH&CN và ĐMST ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; về “Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp và PTNT”; về “Đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao KHCN lĩnh vực nông nghiệp phục vụ phát triển ngành nông nghiệp và PTNT”; “Chuyển giao KHCN trong công tác khuyến nông phục vụ phát triển ngành nông nghiệp và PTNT”; đề xuất các giải pháp phát triển nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực triển KHCN và Đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện tổ chức, thể chế, chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phát triển, khoa học công nhệ đóng góp tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp để công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành công trên thực tiễn.
Nguồn Theo V.A/mard.gov.vn